Hạnh phúc là có một người để yêu thương,

một công việc để làm và một điều để mong đợi...





Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

NGƯỜI ĐÀN ÔNG TUYỆT VỜI!

Chuông điện thoại reo vang, đầu dây bên kia giọng người đàn ông thảng thốt vang lên: “Em ơi vợ anh mất rồi, chị mất lúc ba giờ chiều. Nhờ em báo giùm bạn bè cho anh với nhé! Cảm ơn em”.  Nghe cái tin buồn ấy mà tôi chẳng biết nên buồn hay nên mừng cho anh!!!
Có lẽ đó là một giải thoát cho cả hai người sau 21 năm kiên trì dành dật sự sống và chiến đấu với bệnh tật cùng số phận nghiệt ngã!
Có lẽ trên đời này chưa có ai lâm vào hoàn cảnh bi đát như anh mà lại sống được như anh suốt 21 năm ròng. Và có lẽ cũng chưa có tình yêu, tình thương nào mãnh liệt như thế!
          Chúng tôi vẫn thường bảo nhau anh đúng là người đàn ông tuyệt vời và thầm khâm phục vì biết rằng không có mấy người sống và trọn tình được như anh!
          Đó là Bùi Anh Đức - người bạn học với chúng tôi thời Cao đẳng sư phạm. Dạo ấy không ai trong chúng tôi lại nghĩ anh sẽ có số phận như vậy. Anh cũng cao ráo khỏe mạnh và bảnh trai dù rằng không được nhanh nhẹn hoạt bát lắm và anh rất lành tính ( Nói theo kiểu nhà quê).
Ngày ấy, vào năm 1985, chúng tôi ra trường mỗi người một nơi theo sự phân công của tổ chức và không còn ai liên lạc với nhau được nữa. Lúc đó phương tiện đi lại, thông tin liên lạc rất khó khăn, Những sinh viên mới ra trường thường bị điều đi các vùng sâu, vùng xa hay bản làng heo hút để đem cái chữ và ánh sáng cho người dân đang đói chữ ở đây.
Những vùng đó lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Thời bao cấp ai cũng lo cơm áo gạo tiền, rồi gia đình con cái cứ quấn lấy, chỉ biết được những người xung quanh còn liên lạc với bạn bè thì hầu như không thể…
Bẵng đi một thời gian dài, đến 10 năm sau, khi cuộc sống đã có điện thoại và thông tin liên lạc, đi lại cũng thuận tiện hơn, thời bao cấp không còn, con cái phần nào đã lớn hơn, điều kiện cuộc sống cũng tạm ổn, chúng tôi mới đi tìm lại bạn bè cũ nhưng cũng chẳng thể nào gặp hết được…
Rồi tôi bị bệnh hiểm nghèo trong thời gian chữa bệnh, bỗng nhiên tôi cứ nghe mọi người kể về một thầy giáo suốt 8 năm cõng vợ đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa bệnh như một cách động viên tinh thần cho tôi lúc đó! Tôi nghe chuyện rất cảm động và hâm mộ người đàn ông ấy nên mới hỏi ra cặn kẽ thì đó chính là anh, người bạn học lớp chúng tôi thời ấy! 
Nhân dịp bạn bè đến thăm hỏi bệnh tình của tôi lúc đó, tôi đã kể cho mọi người nghe và chúng tôi đã tìm đến nhà thăm vợ chồng anh. Bước vào căn phòng ẩm thấp, chúng tôi nhìn thấy trên giường người phụ nữ nằm liệt hai chân dù tay vẫn còn cử động được và bên cạnh là người đàn ông gầy gò với gương mặt đầy nếp nhăn,  in hằn nét khắc khổ, cam chịu.
Nhìn thấy chúng tôi vào, anh xúc động vô cùng vừa mừng vừa tùi, anh kể cho chúng tôi nghe cuộc sống vô cùng bất hạnh của anh trong suốt thời gian qua với một giọng bình thản !   
Ra trường anh bị điều vào vùng dân tộc, nơi nước độc rừng thiêng và tàn dư của chất độc da cam mà bọn Mỹ thả xuống vẫn còn đó nên bệnh tật và sốt rét rừng luôn là nỗi lo của mọi người. Ở nơi đó anh đã sống cùng các thầy cô giáo trong những căn nhà tập thể tồi tàn và mấy năm sau anh cũng lấy vợ cũng là giáo viên tiểu học. Cuộc sống tưởng là hạnh phúc bình yên khi vợ chồng anh rất thường yêu nhau và kết quả có một bé trai ra đời. Anh hiền lành chăm chỉ vun vén gia đình, Vợ anh cũng khỏe mạnh, đảm đang.
 Nào ngờ đâu tháng 7 năm 1990 khi đứa con lên hai thì vợ anh bị sốt rét ác tính. Ở vùng sâu đi lại khó khăn, thuốc thang không kịp thời nên chị bị biến chứng bại liệt hai chân. Từ đó mọi việc đều đến tay anh. Một suất lương ít ỏi của anh nuôi ba miệng ăn lại còn phải chạy chữa cho vợ.
Lúc đầu anh cố gắng chữa chạy thuốc thang tại chỗ, sau đó được nghỉ hè ba tháng anh đưa vợ và con trai đi hết các bệnh viện ở Sài Gòn lại ra Hà Nội. Có khi anh phải nằm cả ba tháng trời cùng con trai hai tuổi ở hành lang bệnh viện để chữa bệnh cho vợ…Lúc đó đi lại khó khăn mà năm nào anh cũng phải cõng vợ, dắt con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác mong chữa khỏi bệnh cho vợ.
Vì hoàn cảnh khó khăn, anh và con trai phải sống nhờ vào những bữa cơm từ thiện nhưng bệnh tình của vợ anh ngày càng nặng vì không có điều kiện để điều trị tốt hơn. Hết hè anh lại cõng vợ con về nhà tự điều trị và tiếp tục đi dạy để duy trì cuộc sống. Anh đã tranh thủ theo học nhân điện ở một vị cha quản xứ nơi anh ở rồi về tự điều trị nhân điện, mát xa, xoa bóp cho vợ tại nhà.
Hàng ngày sau buổi tan trường về, anh lại vừa làm cha, làm mẹ, làm người phục vụ lo cho vợ con,  lại vừa làm thầy thuốc lo chữa trị cho vợ. Cứ nghỉ hè là anh lại đưa vợ và con trai đi bệnh viện, hết hè lại về. Cứ thế ròng rã gần 10 năm trời. Cũng may nhờ cộng đồng giáo xứ và các tổ chức từ thiện gom góp giúp đỡ dựng cho anh căn nhà tình nghĩa thay cho căn nhà tranh lụp xụp dột trước, dột sau.
Khi bệnh tình vợ anh ngày càng nặng và không còn hy vọng nữa thế là từ đấy anh đành để vợ ở nhà và tự chăm sóc, nhân điện, bấm huyệt hàng ngày để cầm cự và làm giảm những cơn đau. Có hôm trời trở lạnh vợ anh đau nhức anh phải thức suốt đêm xoa bóp bấm huyệt cho vợ. Mọi việc phục vụ sinh hoạt của vợ một tay anh lo. Con trai anh lớn lên cũng đỡ đần cho anh phần nào.
Rồi đứa con lớn lên được một vị linh mục đỡ đầu cho ăn học, anh cũng thấy yên tâm nhưng nghiệt ngã thay bỗng nhiên đôi mắt anh lại bị mờ dần đi, anh lên lớp có lúc không thấy được gì rồi cuối cùng mắt anh mù hẳn. Dù đôi mắt vẫn mở to nhưng anh không nhìn thấy gì, chỉ nghe tiếng nói mà nhận ra người quen. Vợ anh thì dần dần liệt luôn hai cánh tay và phải nằm bất động một chỗ.
Nhìn hoàn cảnh và nghe anh kể chúng tôi lặng người đi và thầm cảm phục anh biết bao. Chúng tôi đã  tìm cách giúp đỡ cho anh ngoài việc góp tiền phụ giúp anh thì kêu gọi các tổ chức từ thiện, đưa thông tin lên đài, báo…để giúp đỡ cho anh phần nào khó khăn về vật chất. Anh cũng được nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ về tinh thần của bạn bè, anh em.
Có những lúc tôi vào thăm, nhìn cảnh vợ anh teo tóp nằm trên giường còn anh ngồi bên cạnh lần mò xoa bóp bấm huyệt cho chị và gãi những chỗ bị ngứa do dị ứng thuốc mà thấy xót xa và cảm động biết chừng nào.
Năm ngoái, anh tổ chức cưới vợ cho con trai, Chúng tôi đến dự và thăm vợ chồng anh. Đám cưới con mà cả hai không thể dự chỉ nằm trong nhà lắng nghe hôn lễ diễn ra. Nhìn chị nằm sấp một chỗ không cử động, còn anh thì cứ ngồi bên cạnh không rời, luôn tay lần mò bấm huyệt và xoa bóp. Tôi nghĩ thầm không biết sức mạnh nào giúp cho anh làm được điều đó và điều gì giúp anh có sức chịu đựng phi thường như thế!
Hôm qua xuống viếng đưa linh hồn chị. Nhìn tấm bảng cáo phó chị Đoàn Thị Kim Oanh hưởng dương 50 tuổi, tôi lại chạnh lòng và xót xa cho những người tóc bạc khóc người tóc xanh! Anh cứ ngồi ở bàn và nhìn mãi vào khoảng không vô định, rồi anh thanh thản và bình tâm nói rằng “ Nhờ tình thương, tình yêu quá lớn mà anh sống bên chị, chăm sóc suốt 21 năm trời. Bây giờ chị cũng thanh thản ra đi. Ngày mai bốn người trong gia đình anh sẽ đi bốn ngả..Chị đi về cõi âm, anh đi dự lớp tập huấn cho người mù đề về tham gia hội người mù Trung ương, con dâu về quê mẹ để sinh con, con trai đi làm ở Vũng Tàu…Anh đã quen với chị như thế rồi không biết mai này sẽ ra sao…” Giọng anh trùng xuống nghe thật buồn, xót xa, rồi anh cười hiền lành! Tôi nghe cay cay nơi sống mũi…
Dường như trong anh không có một điều gì oán hận hay trách móc cuộc đời. Cuộc đời nghiệt ngã gần như lấy đi của anh tất cả, nhưng anh vẫn sống bình thản, chấp nhận và bằng lòng với những gì đang có. Tôi thầm nghĩ: “Không biết trên đời này có người đàn ông nào giống như anh nữa không nhỉ!”. Anh không sáng mắt nhưng tâm của anh thì sáng biết bao. Vậy mà có bao nhiêu người trên đời này mắt sáng mà tâm thì đã mờ từ lâu rồi!!!
Ngày mai cuộc sống của anh sẽ ra sao! Hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến với anh như một phần thưởng xứng đáng cho người đàn ông tuyệt vời ấy!
 ( Đây là câu chuyện có thật về người đàn ông tên là Bùi Anh Đức hiện sống tại xã Lộc Châu, Thành phố Bảo Lộc.  Số điện thoại 0633752920 ).

4 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị cũng hy vọng mọi điều sẽ tốt lành! Chúc em vui và an lành nhé! Hihi

      Xóa
  2. lão đọc mà ứa nước mắt chị mi à. chị viết bài này hay đấy . cả văn phong lẫn cốt chuyện đều hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái gì thật và tự nhiên thì nó hay thôi phải không Lão. Nếu Lão tận mắt chứng kiến chắc là khóc huhu chứ không chỉ ứa nước mắt đâu Lảo à! Chúc Lão vui và bình yên nhé!

      Xóa